I.Ngành thương mại
1 Vai trò của ngành thương mại
Thương mại là dòng hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng, và vì thế, nó là khâu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Đối với nhà sản xuất, hoạt động thương mại có tác động cả đến việc cung ứng nguyên liệu, vật tư, máy móc, và việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra. Đối với người tiêu dùng, hoạt động thương mại không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của họ mà còn có tác dụng tạo ra thị hiếu mới, nhu cầu mới. Chính vì lẽ đó, thương mại có vai trò to lớn trong quá trình tái sản xuất mở rộng của xã hội, có thể thấy qua sơ đồ đơn giản dưới đây .
Ngành thương mại có vai trò điều tiết sản xuất, bởi vì trong một nền sản xuất hàng hoá, lao động của người sản xuất hàng hoá được xã hội hoá khi mà sản phẩm do họ làm ra được đưa vào trao đổi. Nếu ngành thương mại giúp mở rộng thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm, thì nó sẽ thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, các phân tích thông tin thị trường sẽ giúp các nhà sản xuất thay đổi mẫu mã, ngành hàng...
Ngành thương mại, đặc biệt là các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi... có vai trò rất lớn trong việc hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra các tập quán tiêu dùng mới.
Sự trao đổi hàng hóa trên thị trường thời cổ xưa là theo quan hệ hàng đổi hàng. Nhưng từ khi xuất hiện tiền tệ làm vật trao đổi ngang giá, thì quan hệ này chủ yếu là hàng - tiền - hàng. Vì vậy, xét ở phương diện chu chuyển vốn, thì thương mại diễn ra ở lĩnh vực thực hiện sản phẩm, thể hiện quá trình chuyển vốn (tư bản) từ hình thức hàng hóa trở lại hình thức tiền tệ và vì thế góp phần tạo ra giá trị thặng dư.
Thương mại có ý nghĩa rất lớn đối với sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng trong nước và phân công lao động quốc tế, từ cấp độ khu vực đến toàn cầu. Đó là vì mỗi một địa phương tham gia vào quá trình phân công lao động theo lãnh thổ bằng cách sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa dựa trên các lợi thế so sánh của mình để cung cấp cho các vùng khác, đồng thời lại tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nhập từ ngoài vùng. Phân công lao động theo lãnh thổ càng sâu sắc thì thương mại càng phát triển, và ngược lại. Trong lí thuyết về ngoại thương, người ta thường nói đến quan điểm của Đavit Ricacđô (David Ricardo, 1772-1823) về lợi thế tương đối. Theo lí thuyết này thì chỉ có lợi thế tương đối, được đo bằng so sánh chi phí cơ hội, là cần thiết để làm cho thương mại là có lợi cho tất cả các bên tham gia, và nhờ thế mà đem lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế.
Thương mại là một mạng lưới phức tạp các luồng hàng trao đổi giữa các nền kinh tế của các đô thị, các vùng, các quốc gia và giữa các nước. Vì vậy, có thể phân biệt thương mại theo các cấp độ lãnh thổ, ít ra là chia thành nội thương và ngoại thương. Có một hình thái đặc biệt trong thương mại toàn cầu là sự buôn bán trong nội bộ các công ti xuyên quốc gia (Transnational corporations - TNCs) mà theo đánh giá là chiếm ít nhất 1/3 thương mại quốc tế. Nếu như trên thị trường quốc tế, các hãng phải tính đến sức ép, những hạn chế và những kiểm soát của thị trường bên ngoài, thì trong buôn bán nội bộ, họ định giá chuyển nhượng là giá nội bộ về hàng hóa, nhằm tối ưu hóa việc đạt được các mục tiêu của công ti.
Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, thì vai trò của ngoại thương là đặc biệt lớn. Nó làm cho nền kinh tế của một nước thực sự là bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới. Hoạt động xuất khẩu tạo đầu ra cho các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, công nghiệp và cả dịch vụ, vì thế có tác động rất mạnh đến các ngành kinh tế này. Việc đẩy mạnh xuất khẩu còn tạo ra nguồn thu ngoại tệ lớn phục vụ cho quá trình mở rộng đầu tư trong nước. Việc đẩy mạnh nhập khẩu các máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu sẽ góp phần quan trọng vào việc trang bị kĩ thuật mới cho các ngành và duy trì, mở rộng sản xuất với chất lượng sản phẩm tốt. Việc nhập khẩu các hàng tiêu dùng thiết yếu có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống nhân dân. Việc nhập khẩu hàng hóa còn có thể tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giúp các ngành sản xuất trong nước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Nói chung, việc tổ chức họat động ngoại thương tốt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả nền kinh tế và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi.
2. Khái niệm về thị trường
Với ý nghĩa chung, thị trường được hiểu là lĩnh vực trao đổi hàng hoá và dịch vụ, là nơi trao đổi hàng hoá, dịch vụ. Theo nghĩa chính trị kinh tế học, thì thị trường là sự cung và cầu về hàng hoá, dịch vụ trên quy mô thế giới (thị trường thế giới), trong phạm vi một nước (thị trường trong nước), trong phạm vi một địa phương.
Thị trường hoạt động theo quy luật cung cầu. Lí thuyết về cung cầu và điểm cân bằng là lí thuyết trung tâm của kinh tế học. Theo lí thuyết này có 2 đường cong: đường thứ nhất biểu diễn nhu cầu (thường tăng lên khi giảm giá) và đường thứ hai thể hiện lượng cung ứng (thường tăng lên khi giá cả tăng). Điểm cân bằng là giao điểm giữa 2 đường cong mà tại đó cả người mua và người bán đều thoả thuận.
Trong nền kinh tế thị trường, giá cả có thể thay đổi nhanh chóng do sự thay đổi trong quan hệ cung cầu. Về mặt lí thuyết, khi cung lớn hơn cầu, thì người sản xuất phải giảm giá, ngược lại, khi cầu lớn hơn cung thì người mua sẽ đẩy giá lên do họ cạnh tranh nhau để mua hàng. Lượng hàng bán ra bằng lượng hàng mà khách mua, và sự cung cầu như vậy là luôn cân bằng. Trong lí thuyết kinh tế, Cung và số lượng có để bán hoặc số lượng mà người bán sẵn lòng bán ở một giá xác định, còn Cầu là số lượng mà người mua sẵn lòng mua ở một giá xác định. Quy luật cung cầu quy định giá cả chỉ trong nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp các chính phủ đã can thiệp làm hạn chế quy luật này.
3 Cán cân xuất nhập khẩu
Cán cân xuất nhập khẩu là hiệu số giữa trị giá xuất khẩu (còn gọi là kim ngạch xuất khẩu) và trị giá nhập khẩu (còn gọi là kim ngạch nhập khẩu). Trong thống kê thế giới của UNCTAD, cán cân thương mại được tính bằng phần trăm so với trị giá nhập khẩu.
B = (X - N )/N x 100 (%)
B: Cán cân thương mại; X: trị giá xuất khẩu, N: Trị giá nhập khẩu.
Nếu trị giá hàng xuất khẩu mà lớn hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là xuất siêu. Ngược lại, nếu trị giá hàng xuất khẩu mà nhỏ hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là nhập siêu.
Thường thì trị giá xuất khẩu tính theo giá FOB, còn trị giá nhập khẩu tính theo giá CIF, nên ngay cả khi cán cân thương mại cân bằng thì vẫn có thể có sự chênh lệch không đáng kể theo chiều dương hoặc chiều âm. Trong thống kê của thế giới những năm gần đây, những nước có cán cân thương mại dương với tỉ lệ rất cao đều là các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn. Các nước có cán cân thương mại âm ở tỉ lệ lớn trước hết phải kể đến các nước châu Phi, các nước vùng Caribê và một số nước vùng Nam á, nơi có nhiều bất ổn định về chính trị. Đáng chú ý là Hoa Kì trong thời gian dài nhập siêu rất lớn.
4 Đặc điểm của thị trường thế giới
Tổ chức Thương mại thế giới chia thị trường toàn cầu thành các khu vực theo quan điểm riêng về đặc điểm thị trường và sự đóng góp của các khu vực này vào nền kinh tế thế giới.
Tây Âu (và nói riêng EU) là thị trường lớn nhất thế giới. Tiếp đến là thị trường Bắc Mĩ và thị trường châu á. ở thị trường châu Âu lớn nhất là thị trường Đức, Pháp và Anh. ở thị trường Bắc Mĩ thì đó là Hoa Kì và Canađa. Còn ở thị trường châu á: đó là Trung Quốc và Nhật Bản.
Một đặc điểm khá rõ là đối với các nước phát triển, việc buôn bán giữa các nước trong khối chiếm tỉ trọng lớn, còn với các khối khu vực của các nước đang phát triển thì xu hướng ngược lại. Số liệu thống kê năm 2001 của WTO cho thấy rằng: ở các khối APEC, EU hoạt động xuất và nhập khẩu chủ yếu là giữa các nước trong khối; ở các nước NAFTA thì xuất nhập khẩu đối với các nước ngoài khối đã chiếm tỉ trọng cao hơn. Các nước trong các khối ASEAN, CEFTA, MERCOSUR và ANDEAN có quan hệ buôn bán chủ yếu là với các nước ngoài khối. Riêng Tây Âu, 67,5% (năm 2002) giá trị ngoại thương là thực hiện giữa các nước này với nhau. ở Bắc Mĩ, tỉ lệ này là 39,5%, còn ở châu á là 48,2%. Trị giá buôn bán giữa các nước tư bản Bắc Mĩ và Tây Âu chiếm tới 42% giá trị buôn bán toàn thế giới.
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu trên thế giới, chiếm tỉ trọng ngày càng cao là các sản phẩm công nghiệp chế biến. Các mặt hàng nông sản có xu hướng giảm tỉ trọng trong buôn bán trên thế giới, do những thành tựu nông nghiệp đã giải quyết tốt hơn nhu cầu lương thực, thực phẩm ở nhiều khu vực trước kia nhập khẩu nhiều nông sản. Năm 2001, hàng công nghiẹp chế biến chiếm 77% giá trị hàng xuất khẩu, trong khi nông sản chỉ còn 9% và khoáng sản là 14%. Trong cơ cấu hàng công nghiệp chế biến, thì chiếm tỉ trọng hàng đầu là máy móc thiết bị (55%), rồi dến hóa chất (13%), sắt thép (3%), các bán thành phẩm khác (10%), các mặt hàng dệt (3%), may (4%) và hàng tiêu dùng khác (12%).
Hoa Kì, các nước Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Canađa có tỉ lệ hàng chế biến trong giá trị hàng hóa xuất khẩu rất cao. Đây cũng là các cường quốc trong nền thương mại thế giới. Riêng Trung Quốc được gọi là “Công xưởng của thế giới”. Tất nhiên, Trung Quốc đang vươn lên khẳng định thương hiệu các mặt hàng của mình, không chỉ làm gia công, làm công xưởng cho các công ti xuyên quốc gia.
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới một mặt tạo cơ hội cho các nền kinh tế mở rộng thị trường, mặt khác dường như thị trường thế giới ngày càng trở nên chật hẹp, đang làm tăng lên mạnh mẽ sức ép cạnh tranh đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của tất cả các nước. Và điều này càng tạo ra thế bất lợi cho các nước đang phát triển, các nước đang tìm cách mở cửa nền kinh tế.
Tỉ lệ so sánh giữa trị giá hàng xuất khẩu và GDP thường được gọi là "hệ số mở cửa nền kinh tế". Có thể thấy rằng trong khi chỉ tiêu này rất có ý nghĩa trong đánh giá các nền kinh tế có tầm cỡ nhỏ hay trung bình. thì đối với các nền kinh tế lớn và các nước đông dân, chỉ số này không cao lắm, do vai trò của thị trường trong nước rất nổi bật (ví dụ như trường hợp của Hoa Kì, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, ấn Độ, Braxin...). ở nhiều nước châu Phi, nền kinh tế tự cấp tự túc là chính, hệ số mở cửa nền kinh tế cũng rất thấp.
5. Các tổ chức thương mại trên thế giới
Tổ chức thương mại thế giới WTO được thành lập ngày 1/1/1995, tiền thân là GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại). Trong xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organisation - WTO) ngày càng kết nạp nhiều thành viên, và trở thành tổ chức thương mại lớn nhất. WTO có 144 thành viên (tính đến 31 tháng Bảy năm 2002). WTO là một tổ chức để thảo luận, đàm phán và giải quyết những vấn đề thương mại, bao gồm hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Chức năng cơ bản của WTO là:
- Quản lí và thực hiện các hiệp định đa phương và nhiều bên tạo nên tổ chức này;
- Làm diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương mại đa phương;
- Giải quyết tranh chấp thương mại;
- Giám sát chính sách thương mại quốc gia;
- Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác liên quan đến hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu.
Song song với quá trình toàn cầu hóa là xu hướng khu vực hóa, với sự hình thành và đan xen nhiều tổ chức kinh tế khu vực. Có thể nói đây là sản phẩm của sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới, và do sự phát triển không đều của nền kinh tế thế giới. Trong số các liên minh kinh tế khu vực hàng đầu phải kể đến đến Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mĩ (NAFTA), Diễn dàn hợp tác kinh tế châu á
- Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN),
Thị trường chung Nam Mĩ (MERCOSUR), Các nước vùng núi Andet (ANDEAN).
Các hiệp ước liên minh khu vực
ANDEAN Bôlivia, Côlômbia, Êcuađo, Pêru và Vênêduêla.
APEC Ôxtrâylia, Brunây, Canađa, Chilê, Trung Quốc, Hồng Kông, Inđônêxia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia, Mêhicô, Niu Dilân, Papua Niu Ghinê, Pêru, Philippin, Liên bang Nga, Xingapo, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kì và Việt Nam.
ASEAN Brunây, Campuchia, Inđônêxia, Lào, Malaixia, Mianma, Philippin, Xingapo, Thái lan và Việt Nam.
CEFTA Bungari, Séc, Hunggari, Ba Lan, Rumani, Xlovenia và Xlôvakia.
EU áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy lạp, Ixơlen, Italia, Luychxembua, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh, Síp. Séc, Extônia, Hungari, Latvia, Lituani, Manta, Xlôvakia, Xlôvenia.
MERCOSUR Achentina, Brazin, Paraguay và Uruguay.
NAFTA Canađa, Hoa Kì và Mêhicô
SAPTA Banglađet, Butan, ấn Độ, Manđivơ, Nêpan, Pakixtan và Xri Lanca.
II. Ngành du lịch
1 Vai trò của ngành du lịch
Du lịch được hiểu là sự lữ hành để nhằm mục đích giải trí hoặc tìm hiểu. Thường thì du khách đi thành các nhóm.
Có nhiều cách phân loại hoạt động du lịch:
- Tùy theo đối tượng khách du lịch, mà chia ra thành du lịch nội địa và du lịch quốc tế.
- Tùy theo loại phương tiện vận tải mà chia ra thành du lịch bằng tầu hỏa, du lịch bằng tàu biển, du lịch bằng xe đạp...
- Tùy theo địa bàn du lịch mà chia thành du lịch núi, du lịch biển, du lịch sông - hồ...
- Tùy theo nhóm sản phẩm du lịch mà chia ra thành du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, du lịch thể thao, du lịch tìm hiểu thiên nhiên (du lịch sinh thái), du lịch hội thảo...
Là một ngành dịch vụ, hoạt động du lịch nhờ thỏa mãn những nhu cầu vui chơi giải trí, tìm hiểu thiên nhiên, xã hội, các nét đẹp về văn hóa... của dân cư ở các vùng miền khác nhau trên thế giới mà thu được lợi nhuận rất cao. Vì thế, ngành này luôn tìm cách đưa ra các sản phẩm du lịch độc đáo.
Ngành du lịch có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội hiện đại.
- Tạo ra nguồn thu nhập lớn. Thu nhập này không chỉ trực tiếp từ doanh thu của ngành du lịch, mà còn từ sự tác động của ngành du lịch tới nông nghiệp, công nghiệp và các ngành dịch vụ khác.
- Phục hồi sức khỏe của du khách, đáp ứng nhu cầu về vui chơi, giải trí, tìm hiểu thiên nhiên, xã hội của người du lịch.
- Góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia.
- Góp phần sử dụng hợp lí tài nguyên. Nhờ sự phát triển của du lịch mà nhiều giá trị về tự nhiên, nhân văn được tái phát hiện, được tôn tạo, được bảo tồn và phát triển, được biến thành các giá trị kinh tế. Rất nhiều vùng núi hay ven biển, không thuận lợi cho phát triển và phân bố các ngành công nghiệp hay nông nghiệp, nhưng cảnh quan thiên nhiên lại rất độc đáo, môi trường không bị ô nhiễm, và đấy là những địa điểm lí tưởng cho du lịch. Sức hấp dẫn của các tài nguyên này đối với du lịch đòi hỏi ngành du lịch phải trích một phần lợi nhuận để bảo vệ và cải tạo tài nguyên. Và ở đây sẽ có sự kết hợp hài hòa giữa tự nhiên - kinh tế - văn hóa. Du lịch được coi là ngành "công nghiệp không khói", ít gây tác dộng tiêu cực lên môi trường tự nhiên so với các ngành kinh tế khác.
2 Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành du lịch
a) Sự phân bố và kết hợp của các tài nguyên du lịch trên lãnh thổ
Không giống các ngành dịch vụ khác mà sự phân bố bị quy định nhiều hơn bởi thị trường tiêu thụ, hoạt động kinh tế du lịch được coi là định hướng tài nguyên, có liên quan rất mật thiết với sự phân bố các tài nguyên du lịch. Cần lưu ý rằng việc phân loại ra tài nguyên du lịch cũng tương tự như sự phân loại ra tài nguyên nông nghiệp hay tài nguyên công nghiệp, đó là một cách phân loại theo mục đích sử dụng. Tài nguyên du lịch là các thành phần và những kết hợp khác nhau của cảnh quan tự nhiên và các đối tượng lịch sử, văn hóa, kiến trúc, các giá trị văn hóa phi vật thể có thể được sử dụng vào dịch vụ du lịch và nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành tổ chức lãnh thổ du lịch (các điểm du lịch, tuyến du lịch, các trung tâm du lịch, các vùng du lịch).
Tài nguyên du lịch được chia thành hai nhóm lớn là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.
Trong số các tài nguyên du lịch tự nhiên, cần phải kể đến:
- Các dạng địa hình xâm thực đặc sắc (ví dụ như địa hình cacxtơ, địa hình vùng núi granit…) tạo ra các cảm xúc thẩm mĩ mạnh ở du khách;
- Các điều kiện sinh khí hậu có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, các đặc điểm mùa khí hậu có ảnh hưởng đến tính mùa của hoạt động du lịch;
- Tài nguyên nước có ảnh hưởng đến khả năng phát triển các loại du lịch trên sông hồ, các nguồn nước khoáng có giá trị chữa bệnh;
- Tài nguyên sinh vật, đặc biệt là sự độc đáo của các hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học có sức hẫp dẫn du khách tìm hiểu tự nhiên, là điều kiện để phát triển du lịch thiên nhiên, du lịch sinh thái.
- Các di sản thiên nhiên thế giới có giá trị tổng hợp để phát triển du lịch đồng thời bảo tồn thiên nhiên. ở nước ta, quần thể du lịch Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là các di sản thiên nhiên thế giới.
Trong số các tài nguyên du lịch nhân văn phải kể đến:
- Các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, bao gồm các di tích văn hóa khảo cổ, các di tích lịch sử, các di tích văn hóa nghệ thuật, các danh lam thắng cảnh. Cần phải hiểu rằng "di tích" không có nghĩa là những cái gì còn sót lại trong quá khứ, không có nghĩa là "phế tích" mà đó thực sự là di sản lịch sử văn hóa của dân tộc, của nhân loại. Và phải có thái độ và cách ứng xử rất thận trọng trong việc bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa.
- Các lễ hội. Trước hết là các lễ hội dân gian, gắn liền với đời sống tâm linh và truyền thống văn hóa của những cộng đồng cư dân nhất định, tồn tại và biến đổi qua quá trình lịch sử. Trên cơ sở các đặc điểm về đời sống tâm linh và truyền thống văn hóa ấy, có thể xuất hiện các lễ hội mới, có màu sắc hiện đại hơn. Trong các lễ hội du khách có dịp thưởng thức các di sản văn hóa dân gian và hiểu thêm về phong tục tập quán cũng như lịch sử của các địa phương. Cũng phải kể đến các ngày lễ kỉ niệm, chẳng hạn như ngày Quốc khánh… Các lễ hội có ảnh hưởng đến việc tổ chức lãnh thổ du lịch tùy theo quy mô lễ hội cũng như thời gian tổ chức lễ hội. ở một chừng mực nhất định các lễ hội cũng tạo ra tính mùa của du lịch.
- Các đối tượng du lịch có liên quan tới dân tộc học, chẳng hạn như các nét truyền thống về cư trú, về tổ chức xã hội, trang phục dân tộc, văn hóa ẩm thực, các làng nghề truyền thống, các công trình kiến trúc cổ, các kiến trúc tôn giáo…
- Các đối tượng văn hóa, thể thao và các hoạt động nhận thức khác, chẳng hạn như các viện bảo tàng, các thư viện lớn, các trung tâm nghiên cứu, văn hóa lớn, các khu vui chơi giải trí, các hội chợ triển lãm, các cuộc thi hoa hậu, các festival về phim, các cuộc thi đấu thể thao quốc tế…
- Các di sản văn hóa thế giới. Theo ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, tính đến tháng 7/2004, 788 di sản đã được đưa vào Danh sách Di sản thế giới, trong đó có 611 di sản văn hóa, 154 di sản thiên nhiên và 23 di sản hỗn hợp ở 134 quốc gia. ở nước ta có 3 di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mĩ Sơn. Các di sản được công nhận là di sản thế giới sẽ có sức hút rất lớn đối với du khách, nhất là khách quốc tế.
Sự kết hợp khác nhau của các tài nguyên du lịch trên lãnh thổ sẽ có ý nghĩa lớn trong việc tổ chức kết hợp các loại hình du lịch, các tuyến điểm du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo.
b) Thị trường khách du lịch
Thị trường khách du lịch có ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu ngành du lịch, cũng như cơ cấu các sản phẩm dịch vụ du lịch. Người ta thường phân biệt thị trường khách nội địa và khách quốc tế. Trong điều kiện của nền kinh tế công nghiệp và hậu công nghiệp, với sự phát triển nhanh của các đô thị, nhất là các đô thị lớn và cực lớn, nhịp sống ngày càng hối hả, nhu cầu về nghỉ ngơi, du lịch ngày càng tăng. Không những người ta cần đến các khu vui chơi giải trí (có thể bố trí ngay tại các thành phố lớn) mà càng cần sống gần gũi với thiên nhiên, cần tránh các stress. ở nhiều nước đã quy định tuần làm việc 5 ngày, và vì thế, nhu cầu nghỉ cuối tuần cũng đã tăng lên. ở các nước phát triển, mức sống cao, việc đi du lịch hàng năm đã trở thành nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân.
Mỗi luồng khách du lịch lại có các nhu cầu khác nhau về các sản phẩm du lịch, có mức chi tiêu khác nhau. Việc vậy, việc điều tra xã hội học, đánh giá các thị trường khách du lịch luôn là việc làm quan trọng đối với các nhà quản lí kinh doanh du lịch.
c) Cơ sở vật chất kĩ thuật ngành du lịch và cơ sở hạ tầng
Cơ sở vật chất của ngành du lịch bao gồm hệ thống các cơ sở phục vụ lưu trú, ăn uống (nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, căn hộ cho thuê…), các khu vui chơi giải trí, các cơ sở thương mại phục vụ nhu cầu của khách (các cửa hàng bán đồ lưu niệm…), các cơ sở thể thao, các khu an dưỡng, trị liệu, các công trình thông tin văn hóa, quảng bá du lịch, các cơ sở dịch vụ bổ sung khác.
Cơ sở hạ tầng không phải do ngành du lịch quản lí, mà phục vụ chung cho nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển và phân bố cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, thông tin liên lạc, cung cấp điện, nước…) và hiệu quả hoạt động của những ngành này có ảnh hưởng sâu sắc đến các hoạt động du lịch.
d) Nguồn nhân lực của ngành du lịch
Tính chuyên nghiệp của những người phục vụ lữ hành, khách sạn, quảng bá du lịch… có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh, gây ấn tượng tốt đối với du khách, hấp dẫn họ trở lại những lần sau và thông qua họ mà quảng bá du lịch.
d) Các điều kiện kinh tế - xã hội khác
Những điều kiện kinh tế - xã hội khác có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới ngành du lịch. Trình độ phát triển của các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp và các ngành dịch vụ khác góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch. Năng suất lao động cao, mức sống ngày càng nâng cao của dân cư làm tăng nhu cầu du lịch. Những chính sách kinh tế - xã hội tích cực, chẳng hạn như các quy định về xuất nhập cảnh sẽ có tác động không nhỏ đến việc thu hút khách quốc tế… Những điều kiện về an ninh xã hội, đảm bảo an toàn cho du khách có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong mấy năm gần đây chủ nghĩa khủng bố quốc tế gây tình hình bất an ở nhiều nơi trên thế giới.
3. Hiện trạng và xu hướng phát triển du lịch thế giới
Thômat Cuc (Thomas Cook - 1802-1892) là người tiên phong về tổ chức lữ hành. Năm 1841, ông thuê một chuyến tầu hỏa đặc biệt chở hành khách đi từ Lextơ (Leicester) đến Lupbơrơ (Loughborough) dự cuộc họp về hạn chế rượu. Sau thành công của chuyến đi du lịch có hướng dẫn này, ông đã tổ chức hãng lữ hành mang tên ông. T.Cuc đã tổ chức nhiều tua du lịch khắp châu Âu và mua được các cơ sở lữ hành và khách sạn để du khách tổ chức các chuyến đi độc lập. Ông cũng là người đã tổ chức các chuyến du lịch bằng tầu biển cho người Anh từ châu Âu sang châu Mĩ.
Du lịch đã trở thành nhu cầu có tính xã hội. Ngay từ cuối thế kỉ XIX, du lịch nghỉ núi, nghỉ biển đã bắt đầu phát triển. Ngay ở nước ta, người Pháp sau khi áp đặt ách thực dân, họ đã phát hiện và xây dựng các cơ sở nghỉ mát ở vùng núi như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, nghỉ biển như Vũng Tàu (Cape Saint Jacque).
Du lịch bằng tầu hỏa và bằng tầu biển rất phổ biến cho đến đầu thế kỉ XX. Sự xuất hiện của xe ô tô làm cho hình thức du lịch bàng xe ô tô ngày càng phổ biến. Và từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, sự phát triển của ngành hàng không đã cho phép phát triển du lịch bằng đường hàng không.
Có thể thấy rằng lượng du lịch quốc tế trên thế giới đã tăng mạnh trong thập kỉ 90. Cuộc khủng bố 11/9/2001 ở Niu Yooc và các vụ khủng bố diễn ra ở một số nước đã làm cho lượng du khách bị giảm vào năm 2001, rồi tăng nhẹ vào năm 2002 nhưng đến năm 2003 lại giảm (so với năm 2002, thì hai khu vực bị giảm khách du lịch mạnh nhất là Đông Bắc á và Đông Nam á).
Châu Âu là thị trường thu hút khách du lịch lớn nhất (chiếm trên dưới 58% thị phần thế giới). Hai khu vực thu hút khách hàng đầu là Tây Âu (nhiều nhất là Pháp, rồi đến Đức, áo), Nam Âu - Địa Trung Hải (chủ yếu là Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp). Những khu vực này nằm gần các nguồn khách du lịch với nhu cầu du lịch rất cao, lại là nơi tập trung nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, có khí hậu ôn hòa (nước Pháp có khí hậu ôn đới hải dương, lại có khí hậu địa trung hải ở vùng ven biển phía nam; các nước Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp có khí hậu địa trung hải). Nếu chỉ tính các di sản văn hóa thế giới, thì nước Pháp được công nhận là 28, áo có 8, Đức có 30, Tây Ban Nha 38, Italia 39, Hy lạp 16. Có những thành phố là những trung tâm du lịch lớn như Pari, Macxây (Pháp), Rôma, Florenxia, Naplơ, Vênêxia (Italia), Bacxêlôna (Tây Ban Nha), Aten (Hy Lạp).
Châu Mĩ là khu vực đón khách du lịch quốc tế lớn thứ hai. ở châu lục này luồng khách đến Hoa Kì là đông nhất, rồi đến Canađa, Mêhicô. Sự kiện 11/9/2001 đã ảnh hưởng nặng nề lên du lịch quốc tế ở Hoa Kì. Các đảo quốc vùng Caribê thơ mộng cũng thu hút hàng năm khoảng 17 triệu du khách.
Châu á trong mấy năm gần đây đã phát triển mạnh du lịch, và đã chiếm thị phần cao hơn châu Mĩ. Thị trường du lịch lớn nhất châu á là Trung Quốc và Hồng Kông (về phương diện này Hồng Kông vẫn tính riêng). Như vậy, kể cả Hồng Kông thì Trung Quốc đứng thứ ba thế giới về thu hút khách du lịch (sau Pháp và Tây Ban Nha).
Vùng Trung Đông đã có bước tiến ngoạn mục trong thu hút khách, đạt mức 30 triệu du khách năm 2003. Đây là vùng "Lưỡi liềm vàng" với các nền văn minh cổ nổi tiếng Axiry, Babylon, Mezopotami, Phenixi, Xume.
Đưa khách đi ra nước ngoài được gọi là du lịch thụ động. Đón khách nước ngoài đến du lịch được gọi là du lịch chủ động. Để đánh giá so sánh sự tham gia tích cực của một quốc gia vào các hoạt động du lịch, người ta dùng hai chỉ tiêu:
- Tổng chi tiêu của công dân nước đó cho du lịch (tính bằng tỉ USD)
- Tổng thu của nước đó từ du lịch (tính bằng tỉ USD)
Căn cứ vào cán cân thanh toán (chi tiêu và nguồn thu) từ du lịch quốc tế, có thể phân ra thành 3 nhóm nước:
- Các nước chủ yếu là du lịch thụ động (nguồn thu ít hơn chi tiêu),
chẳng hạn như Nhật Bản, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ, LB Nga, Hàn Quốc, Arập Xêut, Thụy Điển.
- Các nước chủ yếu là du lịch chủ động (nguồn thu lớn hơn chi tiêu), chẳng hạn như Hoa Kì, Pháp, Italia, Trung Quốc, áo, Thổ Nhĩ Kì, Thái Lan, Ôxtrâylia.
- Các nước cân bằng về du lịch thụ động và du lịch chủ động như Canađa
Nguồn: ĐHSP ĐT