Tiêu đề: Niềm vui trẻ nhỏ và sự ngu ngốc của người lớn
Chỉ có người lớn mới lựa chọn chơi với ai, chơi như thế nào và mình sẽ được gì khi chơi với họ. Còn bọn trẻ xóm tôi, chúng chẳng bao giờ lựa chọn, và chưa bao giờ chúng nghĩ mình sẽ được gì khi chơi với bạn. Điều giản dị này người lớn vĩnh viễn không học nổi…
Trong cái ngõ nhỏ của xóm tôi có vài đứa trẻ, đứa lớn nhất chừng 8 tuổi, đứa bé nhất khoảng 4 tuổi. Chúng thường chơi với nhau mỗi khi tan học về. Bọn trẻ chơi với nhau trong cái ngõ chật hẹp. Cái ngõ chật hẹp này càng chật hơn vì sự cẩu thả và vô trách nhiệm của những người lớn, chính xác hơn là của chính cha mẹ chúng. Dù chật hẹp, bẩn thỉu cũng vẫn là cái sân chơi duy nhất mỗi khi tan học về, chúng đâu có quyền lựa chọn!
Cứ mỗi buổi chiều là chúng tụ tập chơi đùa, rồi đôi khi cãi vã, rồi đôi khi khóc nhè, rồi cũng đôi khi “hit-le” (“cạch” nhau), thỉnh thoảng cô con gái nhỏ của tôi lại chạy về mếu máo: bạn Thảo hit-le con rồi… Và chỉ sau vài phút lại thấy chúng chơi với nhau, cười náo loạn… Sự giận hờn của trẻ nhỏ chưa bao giờ kéo dài hơn mười phút, có phải chúng dễ quên, hay cần bạn để chơi? Dù thế nào đi nữa tôi vẫn quan sát thấy rằng, chúng chưa bao giờ giữ hờn giận trong vòng mười phút. Trong khi ấy người lớn, đúng hơn là cha mẹ chúng – đều cư ngụ tại cái ngõ nhỏ xíu này, có những người đã thù hận nhau gần mười năm nay và hình như vĩnh viễn họ sẽ không chơi với nhau nữa.
Hai gia đình ấy sống liền kề nhau, bên này nói khẽ bên kia cũng nghe được, thế nhưng họ đã trở thành kẻ thù của nhau. Mâu thuẫn của họ chỉ xuất phát từ 10cm đất. Vâng, 10cm đất ở cái ngõ chật hẹp này đã trở thành một mối thù không đội trời chung! Và họ đã kiện nhau ra tòa, họ thuê luật sư, họ làm tất cả để giành phần thắng vì 10cm đất ấy. Thế là họ không nhìn mặt nhau, chỉ cần một động tĩnh nhỏ lập tức có to tiếng… Rồi một lần cơn thịnh nộ đã bùng lên dữ dội khi hai ông bố của lũ trẻ lao vào nhau với gậy gộc và dao búa. Họ đánh nhau trước sự ngơ ngác của lũ trẻ, máu họ chảy và tất cả những lời tục tĩu nhất, căm thù nhất cũng chảy ra. Lũ trẻ hết ngơ ngác rồi trở nên thích thú với “màn kịch” của người lớn, xin nhắc lại là chính cha mẹ chúng. Tôi nhớ mãi khi một đứa nói rằng: “…bố mày yếu thế, bố tao mới có đá một cái đã lăn quay ra...”. Đứa kia cãi lại: “Còn lâu! Bố tao đang ra võ đấy…”. Hai đứa con của hai ông bố vẫn chơi với nhau và chúng chỉ chịu ra về khi một trong hai ông bố trừng mắt quát: “Về ngay! Tao cấm mày chơi với cái thằng con nhà mất dạy ấy!”. Chúng len lén ra về, nhưng chiều hôm sau tôi lại thấy chúng cười đùa với nhau ở cái ngõ bẩn thỉu vì người lớn ấy. Và chúng ta sẽ thấy nực cười khi lý do hai ông bố ấy choảng nhau chỉ vì cái cây cảnh của nhà nọ mọc vươn sang nhà bên kia. Dù biện hộ thế nào đi nữa thì hai ông bố ấy không bằng con trẻ, đó chỉ là sự méo mó bệnh hoạn của hai gã trẻ con nhiều tuổi mà thôi. Đó là sự thật – một sự thật chỉ tồn tại ở người lớn – người mà chúng ta thường nói đã hoàn chỉnh về thể xác và tâm hồn.
Chỉ có người lớn mới lựa chọn chơi với ai, chơi như thế nào và mình sẽ được gì khi chơi với họ. Hèn hạ vô cùng! Còn bọn trẻ xóm tôi, chúng chẳng bao giờ lựa chọn, và chưa bao giờ chúng nghĩ mình sẽ được gì khi chơi với bạn. Bài học ấy người lớn vĩnh viễn không học nổi. Ngay cả trong giấc mơ, chúng ta – những người lớn - không bao giờ có được nhân cách trong veo ấy.
Thực tình những gã người lớn như tôi, và có cả cha mẹ bọn trẻ hàng xóm chẳng mấy khi để ý đến trò chơi của chúng. Nhưng từ một buổi chiều, tôi bắt đầu để ý đến mối “quan hệ” đặc trưng của chúng. Chuyện là bé Thảo tổ chức sinh nhật lần thứ năm. Bà nội bé Thảo sang tận nhà tôi mời đến dự, con gái tôi mừng lắm. Nó nhảy cẫng lên: SINH NHẬT BẠN THẢO! Thế là cả ngày hôm đó nó luôn nhắc tôi: bố nhớ đón con sớm, mua quà để tối nay con sang nhà bạn Thảo sinh nhật. Nó cứ nhắc đi nhắc lại cả đoạn đường đến lớp. Tôi thì cứ ừ à cho xong chuyện, cái đầu người lớn với vô vàn công việc, lại thêm đường sá tắc nghẽn, nắng nôi lúc giao mùa… thế nên nổi cáu với con gái rằng, nhớ rồi nhắc gì nhiều thế! Nó biết tôi cáu nó im thít.
Buổi chiều tôi đến trường đón con. Vừa thấy bố nó đã reo lên: đi mua quà chưa bố? Tối nay con đi dự sinh nhật. Một lần nữa cái đầu của gã người lớn với những vô vàn công việc, với vô vàn tham vọng, với vô vàn lo toan… mới sực nhớ đến lời hứa ban sáng. Tôi lại ừ à cho qua rồi ra về, còn một núi việc đang chờ ở nhà mà phải về nhanh nếu không muốn tắc đường. Nhưng hình như con gái biết bố chẳng để tâm đến chuyện sinh nhật, vừa đi đường nó lại nhắc: mua quà sinh nhật cho con. Và đương nhiên tôi lại nổi cáu, hoặc ừ à cho qua chuyện.
Vừa về đến cái ngõ nhỏ và bẩn thỉu vì người lớn, tôi đã thấy đám bạn của con gái nhảy tung tăng, chúng khoe những món quà sẽ mua tặng bạn Thảo tối nay. Chúng hớn hở nói về bánh sinh nhật, nói về các món quà, nói về bài hát của đêm nay. Cả cái ngõ bỗng nhiên náo nhiệt với một không khí duy nhất: sinh nhật bạn Thảo. Tất cả sự chú ý của chúng là buổi sinh nhật đêm nay. Thế rồi chúng khoe sẽ mặc cái váy này đẹp nhất, có đứa còn tuyên bố sẽ dẫn cả em mình đến dự…
Bây giờ thì sự hưng phấn của con gái tôi cũng lên đến tột độ. Nó bắt đầu mếu máo vì sự chuẩn bị chậm chạp của cha mình. Tôi cũng phát hoảng vì thấy bọn trẻ đã tắm rửa sạch sẽ, áo quần thơm tho, quà cáp đầy đủ. Chỉ còn nước chạy đi mua quà, cuống cuồng chuẩn bị cho con gái. Bữa cơm tối đó, cái tinh thần sinh nhật bạn Thảo vẫn tràn đầy hưng phấn trong đôi mắt con gái tôi. Nó ăn vội vàng, ngó nghiêng xem các bạn đã đi dự sinh nhật chưa.
Rồi buổi sinh nhật cũng đến. Bọn trẻ hân hoan đến dự, chúng lịch sự tặng bạn Thảo, chúc mừng rất nhiệt thành. Chúng xúm lại chiếc bánh sinh nhật trầm trồ khen ngợi, thò tay nếm thử đầy tò mò. Còn bé Thảo lúc này hãnh diện trong bộ váy mới tinh, đôi mắt nó ánh lên niềm vui sướng. Niềm vui sướng ấy là cả của bọn trẻ, những đôi mắt chúng hân hoan thật sự vì buổi sinh nhật của bạn mình. Chúng hát, chúng thổi nến, chúng ăn bánh kẹo, chúng reo hò như một niềm vui không của riêng ai.
Tôi chợt nghĩ, vẫn cái ngõ nhỏ bẩn thỉu vì người lớn ấy, vẫn mấy căn nhà ấy, vẫn mấy đứa trẻ hằng ngày vẫn chơi đùa mà đôi khi làm người lớn khó chịu vì ầm ào ấy… Hôm nay bỗng khác. Chúng vui thật sự - niềm vui vì sinh nhật bạn - niềm vui trong veo đến nỗi trở thành của tất cả.
Trong khi niềm vui của những đứa trẻ đang tràn ngập vô bờ thì những gã người lớn, những cha mẹ chúng bắt đầu ngó nghiêng, dò xét thái độ của nhau. Thậm chí vẫn hầm hè nhau và luôn miệng ra lệnh với đám trẻ. Rồi một người lớn ra lệnh: “Về học bài ngay, thế đủ rồi!”. Đứa bé mếu máo vì bị cắt ngang niềm vui, nó òa khóc! Nó không chịu về vì nó đang vui. Người lớn kia lại quát: “Vui thế đủ rồi! Về ngay!”. Tôi cảm thấy cơn gió lạnh đã thổi vào cái ngõ bẩn thỉu của xóm mình. Ôi! Người lớn! Người lớn chưa bao giờ chạm tới niềm vui. Đúng vậy, ở cái ngõ nhỏ này tôi chưa bao giờ thấy một người lớn vui thực sự. Đầu óc họ chen đặc những dục vọng và mưu toan, có thể 10cm đất ấy sẽ ám ảnh họ cho đến khi xuống mồ, vì thế họ làm sao vui được. Họ bất lực trước niềm vui nên sẵn sàng tước đoạt niềm vui của trẻ nhỏ. Và nhiều người sẽ không tin khi cái lý do mà người lớn kia bắt con mình ra về vì thấy nó chơi với đứa con của gia đình không đội trời chung ấy, đơn giản chỉ có thế. Người lớn ngu ngốc vô cùng!
Nhìn cuộc vui của bọn trẻ, cái thằng tôi cũng thấy xấu hổ vì đã nhiều lần mình đi dự tiệc, chuẩn bị món quà đắt tiền mà lòng có thật sự vui đâu. Có bao giờ biến niềm vui của gia chủ thành niềm vui của mình được đâu. Sự hân hoan mang trên khuôn mặt của người lớn đa phần là giả tạo. Tôi bắt tay anh, chúc mừng vì thành công của anh, tôi rất vui vì được anh mời đến dự buổi tiệc này… có bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần là giả? Tôi đố tất cả những gã người lớn biến một cuộc vui nào đó của bạn bè trở nên hân hoan như buổi sinh nhật của lũ trẻ xóm tôi! Ở phố phường này ngày nào chẳng có tiệc tùng, lúc nào cũng có một sự kiện nào đó được gọi là vui, nhưng tôi chưa bao giờ được chứng kiến một niềm hân hoan vô bờ và trở thành niềm vui chung như thế. Chúng ta bắt tay nhau, chúc mừng nhau bằng thân xác, nhưng tinh thần lại ở một nơi nào đó. Đa phần chúng ta đến dự tiệc vì trách nhiệm, cả nể, vụ lợi, hay vì một cái gì đó nhưng tôi cam đoan rằng: rất hiếm hoi có niềm vui thật sự, chưa kể chúng ta có mặt vì hận thù. Một thành công của ai đó, đôi khi làm chính bản thân chúng ta buồn bã, và nếu chỉ dừng ở mức không vui ấy chưa đáng ngại, nhưng bắt đầu sự đố kị từ đâu đó dâng lên, dục vọng xui khiến rằng, thành công đó đáng lẽ phải là của mình, cái thằng ấy không xứng đáng, hoặc nó chỉ láu lỉnh hơn mình mà thôi… Cứ thế - cứ thế, bộ óc của những gã người lớn đã được nạp đầy dục vọng xui khiến. Và bắt đầu chúng ta – những người lớn sẽ tìm cách: bon chen, bêu xấu, hạ bệ… để chiết đoạn cái tưởng chừng là niềm vui ấy.
Nhưng tất cả những gã người lớn đã sai lầm! Không có một niềm vui nào khi bộ óc của anh ta ních đầy khói bụi của dục vọng. Chỉ cần trong mắt ta xuất hiện một tia nhỏ của dục vọng thì ngay lập tức niềm vui cũng mất đi với tỉ lệ thuận. Vì thế vĩnh viễn chúng ta – những gã người lớn chẳng bao giờ tìm được niềm vui như buổi sinh nhật của bọn trẻ. Đơi giản vì chúng coi niềm vui của bé Thảo là niềm vui của chúng. Việc này người lớn và cả cái thằng tôi đây đã thất bại hoàn toàn.
Nhưng rồi tôi lại sợ hãi khi nghĩ rằng, đến một ngày nào đó khi lũ trẻ trong cái ngõ bẩn thỉu và chật hẹp này lớn lên, liệu niềm vui vô bờ ấy còn không nhỉ? Thật sự đau đớn khi nghĩ như vậy!