1. Trung du và miền núi phía Bắc.
1.1. Thiên nhiên và tài nguyên.
Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm vùng núi Tây Bắc và vùng đồi núi Đông Bắc.
Tây Bắc là một vùng gồm chủ yếu là núi trung bình và núi cao. Đây là nơi có địa hình cao nhất, bị chia cắt nhất và hiểm trở nhất Việt Nam. Các dạng địa hình phổ biến ở đây là các dãy núi cao, các thung lũng sâu hay hẻm vực, các cao nguyên đá vôi có độ cao trung bình. Dãy núi cao và đồ sộ nhất là dãy Hoàng Liên Sơn với nhiều đỉnh cao trên 2500m, đỉnh núi cao nhất là Fansipan (3143m).
Vùng đồi núi Đông Bắc gồm chủ yếu là núi trung bình và núi thấp. Khối núi thượng nguồn sông Chảy có nhiều đỉnh cao trên dưới 2000m là khu vực cao nhất của vùng. Từ khối núi này ra tới biển là các dãy núi hình cánh cung thấp dần về phía biển. Có bốn cánh cung lớn là cánh cung sông Gâm, cánh cung Ngân Sơn, cánh cung Bắc Sơn và cánh cung Đông Triều.
Chuyển tiếp từ vùng núi Đông Bắc tới đồng bằng sông Hồng, từ Vĩnh Phú đến Quảng Ninh là những dải đồi với đỉnh tròn, sườn thoải. Đây là vùng trung du điển hình của nước ta, ranh giới rất khó xác định.
Vùng giàu có về tài nguyên khoáng sản và tiềm năng thủy điện dồi dào nhất nước ta. Ngoài ra, vùng còn giàu có tài nguyên du lịch, tài nguyên đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp (trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn…).
1.2. Con người và hoạt động kinh tế.
Năm 2001 số dân của vùng là 113493 người, mật độ dân số là 65 người/km2 (Tây Bắc) và 138 người/km2(Đông Bắc). Vùng có gần 30 dân tộc ít người sinh sống. Các dân tộc có số dân tương đối đông là :người Mường, người Tày, người Thái, người Nùng, người Thổ, người Mông, người Dao.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp chính của vùng là trồng cây công nghiệp (chè), cây làm thuốc (tam thất, đương quy, đỗ trọng…), cây ăn quả (mận, đào, lê, vải…) và chăn nuôi trâu, bò. Lúa được trồng nhiều ở các cánh đồng giữa núi, thung lũng, trên các ruộng bậc thang hoặc sườn núi. Ngô, sắn cũng được trồng trên các sườn núi. Nhìn chung, sản xuất lương thực chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tại đây vẫn còn tồn tại những hình thức canh tác, sinh sống lạc hậu: đốt rừng làm rẫy, du canh, du cư…
Hoạt động sản xuất công nghiệp của vùng gồm một số ngành chính: ngành than, ngành điện (thủy điện, nhiệt điện), hóa chất (sản xuất phân bón hóa học, hóa chất cơ bản…) và khai thác khoáng sản…
Ngành du lịch được đẩy mạnh phát triển trong những năm gần đây với nhiều loại hình đa dạng: du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội, tôn giáo, tham quan phong cảnh thiên nhiên…
1.3. Một số thành phố.
Việt Trì, thành phố công nghiệp trung tâm của công nghiệp hóa chất (sản xuất hóa chất cơ bản, phân lân…), giấy, vật liệu xây dựng.
Thái Nguyên, thành phố công nghiệp gang thép.
Hạ Long, thành phố du lịch và cũng là thành phố công nghiệp, thành phố cảng.
Hoà Bình, thành phố công nghiệp bên bờ sông Đà, cửa ngõ của vùng Tây bắc, nơi có nhà máy thủy điện Hoà Bình lớn nhất nước ta.
Điện Biên Phủ, thành phố trẻ, trung tâm kinh tế-xã hội của tỉnh Điện biên, nơi có di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
(Sưu tầm)