Làm sao để tăng tốc độ đọc hiểu tiếng Anh?
Có bao giờ bạn cảm thấy việc đọc hiểu một đoạn văn hay một bài báo bằng tiếng Anh mất rất nhiều thời gian? Có khi tốc độ đọc trung bình của bạn lên tới từ 200 đến 350 từ trong một phút nhưng bạn lại không nắm được nội dung của toàn bài hay bỏ qua một vài ý chính?
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn không biết cách đọc hiểu nhanh và hiệu quả. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc của mình.
1. Trước hết bạn hãy đọc lướt qua tài liệu. Hãy xác định đâu là những đề mục chính, các phần, và cả những tài liệu liên quan? Mục đích của việc này là để nắm rõ những nội dung chính mà bạn cần quan tâm đồng thời bạn sẽ quyết định quá trình đọc sẽ đi theo hướng nào.
2. Trong khi đọc, bạn hãy chú ý điều chỉnh tốc độ. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi nếu cứ phải tập trung chú ý vào tất cả các phần, các nội dung trong bài. Có thể đọc chậm lại nếu bạn cảm thấy đây là phần quan trọng của bài. Và đừng quên tăng tốc trước một phần quá quen thuộc và cực kỳ dễ hiểu (hoặc là phần không cần phải hiểu rõ).
3. Thay vì lúc nào cũng chăm chăm chú ý tới từng từ một trong đoạn văn, bạn hãy thử đọc cả một nhóm từ cùng một lúc có liên quan chặt chẽ với nhau. Như vậy có thể rút ngắn được thời gian đọc khá nhiều. Nếu cần bạn có thể sử dụng một số chương trình máy tính như Speed Reader hoặc Rapid Reader được tạo ra để hỗ trợ người đọc có thể tăng tốc độ đọc của mình với những từ và chữ cái nhấp nháy.
4. Hãy chú trọng tới hiệu quả của việc đọc, có như vậy mục đích ban đầu bạn đặt ra mới thành công. Nói một cách khác là bạn nên tập trung vào các từ chính trong câu, hay các ý chính trong bài. Sẽ rất lãng phí thời gian nếu bạn mất quá nhiều công sức vào các liên từ, giới từ, hay các mạo từ (a, an, the, but, and, or, nor, but, etc.)
5. Hãy đánh dấu quá trình đọc một đạon văn bằng bất kỳ cái gì có thể được. Một cái bút chì, bút nhớ, ngón tay của bạn đều có thể là tiêu điểm điều khiển mắt bạn hướng từ trái sang phải hoặc từ trên xuống dưới. Như vậy bạn sẽ không bỏ lỡ các ý chưa đọc mà cũng tránh phải đọc đi đọc lại vì nhầm. Đó quả là một công cụ hữu ích giúp bạn kiểm soát được quá trình đọc của mình. Và tất nhiên, bạn sẽ đọc nhanh và đúng hơn rất nhiều.
6. Kể về những gì bạn đã đọc. Một số người đọc nhận thấy rằng khi nói chuyện về những nội dung đã đọc với bạn bè hay người thân họ có xu hướng tổng hợp kiến thức tốt hơn đồng thời cũng nhớ lâu hơn.
7. Hãy tự lựa chọn một quá trình đọc phù hợp cho mình. Không nên áp đặt bởi vì mỗi người tuỳ vào khả năng đọc, cũng như bản thân mức độ khó dễ của tài liệu mà có tốc độ đọc khác nhau. Có thể bạn không thể nào tập trung vào một tài liệu quá một giờ (hoặc nửa giờ), vậy thì tại sao phải cố gắng làm việc đó? Hãy chọn một khoảng thời gian nhất định trong ngày lúc mà bạn cảm thấy minh mẫn nhất và sẵn sàng để đọc bất kỳ thứ gì.
8. Một không gian phù hợp cũng rất quan trọng. Hãy thực hành đọc ở một nơi mà bạn không bị xao nhẵng, bị quấy rầy hoặc một nơi có khả năng truyền cảm hứng cho bạn.
9. Luyện tập! Chỉ có luyện tập! Hãy luyện tập thật nhiều! Đó cũng là bí quyết thành công khi muốn học bất cứ kỹ năng nào trong tiếng Anh. Bạn hãy chăm chỉ đọc, đọc mọi thứ về mọi chủ đề mà bạn quan tâm vào bất kỳ lúc nào có thể. Và đừng quên ghi nhớ những thông tin quan trọng. Trong khi đọc nếu có chỗ nào chưa hiểu rõ thì tốt nhất nên bỏ qua để không làm cản trở quá trình đọc của mình. Và tất nhiên là bạn sẽ quay trở lại và nghiên cứu kỹ hơn sau đó.
Như vậy có thể thấy việc đọc hiểu có thể là rất thú vị và cung cấp cho ta nhiều kiến thức, nhưng đôi khi lại không cần mất quá nhiều thời gian nếu chúng ta biết cách tăng giảm tốc độ đọc. Có rất nhiều phương pháp để không những đọc nhanh mà còn hiệu quả nữa. Nhưng điều quan trọng là bạn hãy tìm một phương pháp hợp lý nhất cho mình. Tất cả những gì bạn cần là một quyển sách, đồng hồ, và một cây bút mà thôi.
Bí quyết trở thành một người nghe thông minh
Khi nói một vài thứ tiếng, chẳng hạn như tiếng Nhật, người ta thường phát âm các âm tiết với một lực như nhau. Nhưng trong tiếng Anh người nói lại dồn rất nhiều lực vào một số âm tiết cũng như dành rất ít lực cho những âm tiết khác.
Điều này làm cho những người nước ngoài cảm thấy rất khó khăn khi nghe đặc biệt lúc những từ ấy được nói quá nhanh. Nhưng đối với người bản xứ thì vấn đề này lại hết sức đơn giản vì họ có thể nhận biết được các từ khác nhau thông qua trọng âm (những âm được nhấn mạnh trong khi nói).
Trong tiếng Anh có hai loại trọng âm là trọng âm của từ (những âm tiết được nhấn mạnh trong một từ) và trọng âm của câu (những từ được nhấn mạnh trong một câu).
Trọng âm của từ là chìa khoá giúp người nghe xác định đúng từ mà người nói sử dụng và từ đó đưa ra những hồi đáp thích hợp. Ví dụ: Khi được phát âm đúng thì 3 từ “photograph”, “photographer” và “photographic” nghe không hề giống nhau vì mỗi từ lại có trọng âm ở những âm tiêt khác nhau.
PHOtograph
phoTOgrapher
photoGRAphic
Điều này luôn đúng với mọi từ tiếng Anh có từ hai âm tiết trở lên như: TEACHer, JaPAN, CHINa, aBOVE, converSAtion, Interesting, imPORtant, deMAND, etCETera .v.v…
Những âm tiết không phải là trọng âm được gọi là những âm tiết “yếu” hay “im lặng”. Người bản xứ khi nói chuyện bằng tiếng Anh thường chỉ nghe những âm tiết được nhấn mạnh (có trọng âm) chứ không để ý nhiều đến những âm tiết yếu (không phải trọng âm).
Nếu đang theo một khoá học tiếng Anh, bạn có thể đề nghị giáo viên giúp bạn hiểu kỹ hơn về trọng âm từ trong tiếng Anh. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập nghe trọng âm của những từ riêng lẻ mỗi khi bạn nghe tiếng Anh trên đài hay trong phim chẳng hạn. Đầu tiên hãy nghe và cố gắng xác định đâu là trọng âm của từ. Sau đó bạn có thể áp dụng nó khi nói chuyện với người bản xứ.
Có hai nguyên tắc cần ghi nhớ về trọng âm của từ:
Từ có một âm tiết thì trọng âm rơi vào chính âm tiết đó.
Trọng âm luôn rơi vào nguyên âm.
Nhưng hiểu ý nghĩa từng từ không có nghĩa là hiểu đúng được ý nghĩa của cả câu. Vì thế người nghe thông minh thường là người xác định được đúng trọng âm của cả từ lẫn câu. Trong một câu tiếng Anh có những từ được nhấn mạnh nhưng cũng có những từ không được nhấn mạnh. Chẳng hạn trong câu “We want to go” người Anh không hề phát âm các từ với cùng một lực như nhau. Thực tế là họ chỉ nhấn mạnh những từ quan trọng và lướt qua những từ không quan trọng. Trong ví dụ trên, từ quan trọng là “want” (= muốn) và “go” (= đi). Bạn có thể thấy rõ điều này hơn trong các ví dụ dưới đây:
We WANT to GO. (Chúng tôi MUỐN ĐI)
We WANT to GO to WORK. (Chúng tôi MUỐN ĐI LÀM)
We DON’T WANT to GO to WORK. (Chúng tôi KHÔNG MUỐN ĐI LÀM)
We DON’T WANT to GO to WORK at NIGHT. (Chúng tôi KHÔNG MUỐN ĐI LÀM vào BAN ĐÊM).
Nắm vững trọng âm từ và trọng âm câu không chỉ giúp bạn nâng cao trình độ nghe mà còn giúp bạn tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh để giao tiếp trong cuộc sống cũng như trong công việc. Vậy bạn còn chờ gì nữa, hãy tìm hiểu về trọng âm để có thể trở thành một người nghe thông minh.
Làm thế nào để đọc tài liệu Tiếng Anh hiệu quả?
Trong cuộc sống bạn phải đọc rất nhiều tài liệu bằng Tiếng Anh. Đôi khi bạn đọc xong một cuốn sách dày mà chẳng nhớ được gì ngoài những thông tin nhỏ nhặt và chi tiết. Vậy làm thế nào để trở thành một người đọc hiệu quả?
Chúng tôi xin đưa ra một vài gợi ý giúp bạn nắm được thông tin trong quá trình đọc hiểu.
1. Xác định mục đích đọc
Một trong những thói quen rất phổ biến của nhiều người đọc là cứ mỗi khi cầm sách lên là họ đọc ngấu nghiến hết dòng này đến dòng khác, hết trang này đến trang khác. Kết quả là sau khi đọc họ quên hầu như toàn bộ nội dung thông tin mới được đọc.
Để tránh thói quen này, bạn đọc cần phải xác định trước mục đích cụ thể hay lý do tại sao bạn lại đọc tài liệu đó. Tiếp đó bạn phải tìm xem bạn cần đọc phần tài liệu nào? Đôi khi bạn không nhất thiết phải đọc hết cả cuốn sách . Hãy chọn đọc các phần mục lục và phụ lục ở trang đầu và trang cuối của cuốn sách. Hãy chú ý đến các đề mục của từng chương có như vậy thì bạn mới nắm được nội dung của cuốn sách.
2. Đọc lướt để tìm ý chính của toàn bài
Khi đọc từng chương sách, bạn hãy cố gắng đọc qua phần đầu và phần cuối mỗi chương sách. Hãy đảo mắt nhìn các mục và tiểu mục trong từng chương bởi vì chúng cho bạn biết trình tự ý tưởng mà tác giả trình bày. Bằng cách này bạn cũng nắm được ý chính của từng chương, từ đó tìm được ý chính của toàn bộ cuốn sách.
Sau khi đọc bạn phải tự hỏi mình một số câu hỏi liên quan đến nội dung chính của bài. Để trả lời được thì bạn phải ghi lại các ý chính trong quá trình đọc. Hãy viết các ý chính này như một bản tóm tắt để bạn có thể xem lại sau đó.
3. Chia nhỏ để đọc nhằm làm tăng hiệu quả của hoạt động đọc
Đối với những cuốn sách dày bạn nên chia nhỏ ra để đọc. Bạn nên tự kiểm tra thông tin đã đọc trong sách sau khoảng 25 trang một. Điều này tưởng như thật phung phí thời gian vì bạn còn phải đọc rất nhiều nhưng trái lại hoạt động này lại vô cùng cần thiết vì nó giúp bạn nhớ lại những gì đã học và tránh bệnh “mơ hồ” - căn bệnh mà người đọc rất hay gặp phải khi đọc nhiều thông tin cùng một lúc.
4. Luyện tập thói quen đọc Tiếng Anh hàng ngày
Bạn hãy rèn luyện kĩ năng đọc tài liệu Tiếng Anh hàng ngày. Có như vậy thì bạn mới có thể đọc nhanh mà vẫn nắm được thông tin. Hãy chọn những tài liệu có mức độ khó phù hợp với trình độ của bạn. Để duy trì được thói quen đọc Tiếng Anh hàng ngày bạn cũng nên chọn những tài liệu phù hợp với sở thích hay những đề tài mà bạn thực sự quan tâm. Luyện kĩ năng đọc Tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung là cả một quá trình. Vì vậy bạn hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày đọc tài liệu Tiếng Anh bạn nhé! Chúc các bạn học tập tiến bộ.