Đề: Trong truyện ngắn “Đời thừa”, Nam Cao viết : “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”
Hãy bình luận ý kiến trên và phân tích một số tác phẩm của Nam Cao để làm sáng tỏ quan điểm nghệ thuật đó BÀI LÀM
“Đời thừa” là một trong những tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu của Nam Cao về đề tài người trí thức tiểu tư sản trước Cách mạng tháng Tám. Đó là câu chuyện về sự giằng xé đến bi kịch của một nhà văn giàu khát vọng nhưng đồng thời cũng là một tuyên ngôn nghệ thuật có giá trị. Qua nhân vật Hộ - nhân vật nhà văn trong tác phẩm - Nam Cao đã gởi gắm những suy tư và những quan niệm sâu sắc của mình về nghề văn và sứ mạng của người cầm bút chân chính. Ông viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.
Câu nói ngắn gọn nhưng đã thâu tóm những yêu cầu thật là gắt gao, nghiêm túc đối với người sáng tác văn chương. “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một kiểu mẫu đưa cho” là cách diễn tả hình ảnh, ám chỉ thứ văn chương đẽo gọt, khuôn sáo, hời hợt, một thứ văn chụp ảnh hoặc minh họa giản đơn. “Người thợ” dù là “người thợ khéo tay” thì cũng chỉ sản xuất ra những thành phẩm hàng loạt theo mẫu mã có sẵn, dù có khéo léo cũng chỉ là một hình thức bắt chước, theo khuôn mẫu. Lao động của nhà văn thì khác hẳn. Đó là quá trình nghiền ngẫm, khám phá, tìm tòi những nội dung mới và hình thức diễn tả mới để tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị của riêng mình, mang bản sắc độc đáo của từng nghệ sĩ. Trong một truyện ngắn khác, (truyện “Những chuyện không muốn viết”) Nam Cao cũng đã diễn đạt một cách thật là đặc thù hình ảnh lao động của nghề văn: “cái nghề văn kị nhất là cái lối thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” tức là nó tối kị sự sao chép, bắt chước. Với một yêu cầu thật nghiêm khắc về nghề, nhà văn quan niệm:
“Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những cái gì chưa có”.
Đúng vậy. Mọi nghệ sĩ chân chính, có tài năng đều khao khát sáng tạo ra được những tác phẩm chân chính, sâu sắc. Nhưng không bao giờ họ bằng lòng với lối sao chép, rập khuôn hay phản ánh hiện thực cuộc sống trên bề mặt của nó. Nhà văn phải là người có cái nhìn nhạy bén và sâu xa hơn người để phát hiện những vấn đề sâu kín ở bề sâu của đời sống để đem đến cho người đọc những khía cạnh mới, những vấn đề mới đầy bất ngờ, sâu sắc, thú vị, có khả năng đánh thức vào trí tuệ trái tim, làm phong phú tâm hồn, thậm chí có thể làm thay đổi những thói quen, những nếp nghĩ thông thường. Mỗi sáng tạo của một nhà văn tài năng phải là một tìm tòi mới, một khám phá mới.
Về thực chất, đây là một yêu cầu về tính chân thật trong sáng tạo nghệ thuật chứ không phải là sự đi tìm của lạ một cách màu mè, hình thức. Đó là một sự sáng tạo mang đậm nét bản sắc của chủ thể nghệ sĩ, mang dấu ấn tinh thần của cá nhân nhà văn từ cách nhìn, cách nghĩ đến cách viết. Đó chính là cá tính sáng tạo đã từng được đặt ra như một yêu cầu không thể thiếu của sáng tác văn chương. Thiếu nó sẽ không có nghệ thuật. Gorki ,nhà văn Nga, cũng đã từng nhất mạnh : “Bạn hãy giữ lấy cái gì là của riêng mình, hãy săn sóc nó phát triển tự do. Lúc một nghệ sĩ không có cái là của riêng mình thì phải thấy người đó không có gì hết”.
Ở đây, “cái riêng” không phải được hiểu như một phẩm chất, không chỉ tự nhiên mà có, nó phải được trau dồi, “săn sóc”, “phát triển”, “tìm tòi”, “đào sâu” không ngừng. Nghệ thuật bắt đầu từ thiên bẩm. Nhưng chỉ thiên bẩm không thôi cũng sẽ không có nghệ thuật. Nhà văn Nga L.Tolstoi cũng đã từng nói : “một phần mười là thiên bẩm còn chín phần mười là nước mắt, mồ hôi”. Người ta cũng ví nhà văn như người “trinh sát” như nhà “địa chất”, với ý nghĩa nhấn mạnh vai trò khám phá, tìm tòi, phát hiện… đầy thử thách, gian khổ, có khi cần cả đến sự hy sinh của người nghệ sĩ.
Khám phá cho được sự thật,” đào sâu, tìm tòi, khơi được những nguồn chưa ai khơi” đã là khó. Những quan niệm nghệ thuật của Nam Cao không chỉ dừng ở đó. Nghệ thuật còn đòi hỏi “sáng tạo những gì chưa có” nữa. Đây cũng là một quan niệm rất đúng đắn về bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật. Đó là “sự sáng tạo theo quy luật của cái đẹp” như Marx đã từng nói, là sự thể hiện cái thế giới ao ước, khát khao của con người. Cách đây khoảng 2400 năm về trước, nhà mĩ học người Hy Lạp Aristote cũng đã từng nói: “Nhiệm vụ của nhà thơ không chỉ nói về cái thực sự đã xảy ra mà cái lẽ ra có thể xảy ra”. Thơ là vậy,văn thực chất cũng như vậy.
Nhà văn Hộ trong”Đời thừa” của Nam Cao cũng khao khát sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, một tác phẩm “phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”. Đó chính là hiện thực của khát vọng, là cái “lẽ ra” mà Aristote đã nói và bao nhiêu nhà văn đã từng khao khát nhắn gửi trong sáng tác của mình. Tuy nhiên, mỗi nhà văn có cá tính sáng tạo, sẽ có cách thức thể hiện khác nhau, tùy thuộc vào tài năng bản lĩnh, vốn sống, lý tưởng thẩm mĩ riêng biệt, độc đáo…
Như thế để thấy quan niệm của Nam Cao không phải hoàn toàn mới lạ. Tuy nhiên, ở Nam Cao đó không phải là một nhận thức lý luận được nhập cảng mà là một quan niệm được hình thành từ một cây bút có trách nhiệm, có tài năng, luôn luôn băn khoăn trăn trở về nghề và đã trở thành một ý thức thường trực, thành máu thịt, thành cảm hứng sáng tạo chi phối ngòi bút trong hầu hết các sáng tác của mình.
Đọc Nam Cao, ta được tiếp nhận một phong cách nghệ thuật thật là độc đáo, mới lạ: độc đáo từ cách phát hiện đề tài, xử lý đề tài đến hành văn, giọng điệu, kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ… Đến cả cái tên của nhân vật mà ông chon lựa cũng chẳng giống ai. Đó không phải là những Lan, những Ngọc, những Nhung, những Tuyết… mà là Lang Rận, Chí Phèo , đĩ Chuột; là Lê Văn Rự, Trạch Văn Đoành… những cái tên mà chính tác giả cũng thấy nó “như chọc vào lỗ tai”. Cả tên các tác phẩm nhiều khi nghe cũng thật là ngộ nghĩnh (“Rình trộm”, “Tư cách mõ”, “Thôi, về đi” v.v… và v.v…)
Tuy nhiên, cái độc đáo của Nam Cao bộc lộ chủ yếu ở cách thức nhà văn đi sâu, tìm tòi, khám phá và diễn tả cái bề sâu của đời sống hiện thực. Cũng như các nhà văn hiện thực khác, ngòi bút của ông chủ yếu cũng hướng tới những con người bần cùng, khốn khổ. Ông không hề làm ngơ, hờ hững trước chuyện rách áo, đói cơm vốn là một hiện thực phổ biến thời bấy giờ. Nhiều chuyện ông viết về miếng cơm, manh áo thật cảm động, xót xa, có thể làm rơi nước mắt… Nhưng trung tâm cảm hứng của ngòi bút Nam Cao chủ yếu hướng về nỗi khổ đau, vất vả về đời sống tinh thần, những nỗi đau xót âm thầm mà dữ dội, những bi kịch nội tâm, những xung đột giằng xé trong từng con người, từng số phận, giữa cái xấu và cái tốt, cái cao thượng và cái thấp hèn; cái nhân hậu vị tha và cái ích kỷ, độc ác…
Ít có ngòi bút nào lách sâu đến chỗ tận cùng của xung đột âm thầm mà dữ dội ấy như ngòi bút của Nam Cao. Ông ít miêu tả trực tiếp những xung đột và đấu tranh giai cấp trên bề mặt của đời sống, ông thiên về diễn tả những bi kịnh nội tâm với biết bao giằng xé, cắn rứt, tủi nhục, ân hận trong từng con người. Đừng nghĩ rằng chỉ những trí thức tiểu tư sản như Thứ (Sống mòn) như Điền (Trăng sáng), như Hộ (Đời thừa)… mới có bi kịch nội tâm, mới có những vật lộn, ray rứt, ân hận… Ngay cả Chí Phèo, một con người đã mất gần hết nhân tính, lúc tỉnh rượu cũng nhận ra một trạng thái “dường như ăn năn…”- Lão Hạc xung quanh chuyện bán con chó vàng cũng là cả một sự giằng xé âm thầm, dai dẳng… và khi đã bán rồi thì lão “khóc hu hu” vì khổ đau, ân hận. Lão không chỉ tiếc thương con chó, lão còn ân hận cắt rứt không thôi vì đã nỡ đánh lừa một con chó.
Ít có ai phát hiện, thấu hiểu và diễn tả tinh tế nỗi đau khổ, dày vò về tinh thần, những vẻ đẹp bên trong của những con người khốn khổ, tội nghiệp… như ngòi bút của Nam Cao. Biệt tài của ông là khả năng khai thác, diễn tả thật cảm động xung quanh những chi tiết tầm thường, vặt vãnh, chẳng hạn: để mua cho con mấy tấm mía tốn một xu rưỡi, người mẹ khốn khổ kia đã phải trải qua bao nhiêu tính toán, biện bạch, xót xa, ân hận (Trẻ con không được ăn thịt chó) và ai biết trên đường đến nhà mụ phó Thụ để “thăm cháu” - thực chất là để kiếm miếng ăn - người bà đói khát kia đã suy nghĩ những gì? Ấn tượng của người đọc không phải là nỗi đói khát mà là nỗi xót xa bà cụ đành cam chịu chuốc lấy để đổi lấy miếng ăn nhục nhã (Một bữa no).
Trong dòng văn học hiện thực phê phán hiếm có cây bút nào diễn tả cái tầm thường một cách xót xa và cảm động như thế. Viết về người nông dân hay người tiểu tư sản trí thức, ngòi bút của Nam Cao vẫn trước sau nhất quán. Đó là thái độ trân trọng, tin yêu đề cao nhân cách và phẩm giá con người. Một mặt nó tố cáo, lên án xã hội làm biến chất, tha hóa con người, mặt khác nó đánh thức tình yêu thương con người. Tác phẩm Nam Cao không chỉ lên tiếng đòi cơm áo, nó còn dõng dạc đòi quyền làm người lương thiện, quyền được ước mơ, quyền được sống xứng đáng với cuộc sống con người…
Chủ nghĩa nhân văn của Nam Cao rõ ràng sâu sắc hơn các nhà văn cùng thời với ông. Các nhà văn khác thiên về phản ánh nỗi đói khát bần cùng. Nam Cao đi sâu hơn vào vấn đề tha hóa, biến chất bởi đói khát, bần cùng, tàn bạo. Không phải chỉ Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức… mới tha hóa. Bao nhiêu kẻ phàm ăn tục uống, đối xử thô bạo, tàn nhẫn với vợ con cũng là những dấu hiệu biến chất, tha hóa. Những kẻ thâu đêm chầu bên canh bạc như những kẻ khát nước để cầu vận may để rồi rơi vào cảnh tan cửa nát nhà cũng đang tuột trên cái dốc của sự tha hóa. Cả những người trí thức có mộng văn chương đẹp như Hộ mà cũng phải cho in nhiều “cuốn sách viết vội vàng” để rồi người ta đọc và “quên ngay sau khi đọc”. Đó là một kiểu tha hóa. Sự bần cùng đã xô đẩy bao nhiêu số phận tuột trên cái dốc tha hóa theo nhiều kiểu như một qui luật khó tránh khỏi. Không phải không có những con người trong bần cùng, khốn quẩn vẫn giữ được thiên lương như Dì Hảo, như Lão Hạc, như anh Đĩ Chuột… hoặc cuối cùng cũng trở lại thiên lương, nhưng số phận những con người ấy mới đau đớn, bi kịch làm sao, và rốt cuộc không bị tha hóa thì cũng rơi vào bế tắc, bần cùng, tự sát…
Chỉ ra qui luật của bần cùng, tha hóa vì đói rách nghèo hèn, tác phẩm Nam Cao hầu hết đều thấm nhuần một tinh thần nhân văn, nhân đạo. Tác phẩm của ông như một tiếng chuông cảnh tỉnh, góp phần thức tỉnh lương tri. Sáng tạo ra nhân vật Thị Nở, một nhân vật thô kệch xấu xí đến ma chê quỉ hờn, nhưng chỉ một chút quan tâm săn sóc âu yếm của con người ấy, vẫn có thể đánh thức một bản tính người nơi Chí Phèo sống dậy. Điều ấy cho thấy tình thương có một sức mạnh cảm hóa to lớn như thế nào. Thị Nở xấu xí, nhưng qua nhân vật xấu xí này, Nam Cao lại gửi gắm một khát vọng và một niềm tin mãnh liệt, đẹp đẽ: tình thương có thể cứu vãn con người. Không phải chỉ mình Nam Cao nghĩ như thế, nhưng sáng tạo ra một nhân vật như Thị Nở để gửi gắm lí tưởng thẩm mĩ, ước mơ thì quả là một sự sáng tạo độc đáo, độc nhất vô nhị.
Đọc Nam Cao ta không chỉ bị thu hút bởi những vấn đề sâu sắc, độc đáo mà nhà văn đưa ra, ta còn bị thu hút bởi một cách viết thật mới mẻ, hấp dẫn. Các nhân vật của ông đi lại, ăn nói … như chính họ xuất hiện trước mắt ta chứ chẳng phải là trên trang giấy. Nghĩa là các nhân vật sống động, chân thực một cách kì lạ. Văn của ông có một giọng điệu thật đặc biệt, phong phú, biến hóa, sắc lạnh tàn nhẫn mà xúc động thiết tha, mộc mạc góc cạnh mà thâm trầm, triết lí… Truyện của ông mang màu sắc hiện đại rõ rệt. Ông chú ý đến tình nhiều hơn là chuyện, nội tâm nhiều hơn ngoại hình. Nhiều tác phẩm được tổ chức không theo trình tự thời gian mà theo dòng hồi ức tâm lí.
Nam Cao thực sự đã đem lại cho văn học dân tộc một phong cách nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn… không thể trộn lẫn với bất cứ ai. Sáng tác của ông quả là thống nhất tuyệt đối với quan niệm sáng tác văn chương của ông.
(Nguồn: Tuoitre)