Người ta thường dùng khái niệm "tâm lý tội phạm", tuy nhiên vấn đề đặt ra là có "nhân cách người phạm tội" hay không? Đây là một vấn đề đang còn gây nhiều tranh cãi hiện nay.
Có người cho rằng, nhân cách người phạm tội là nhân cách bị lấn át bởi các yếu tố không phù hợp với chuẩn mực xã hội, đi ngược lợi ích xã hội. Nếu theo định nghĩa này, có thể hiểu, bất kỳ tội phạm nào cũng có nhân cách người phạm tội.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều hành vi phạm tội mang tính chất bột phát, do trạng thái tinh thần bị kích động mạnh chẳng hạn. Hay, trong một số tình huống, người thực hiện hành vi phạm tội do chống trả quá mức cần thiết hành vi trái pháp luật của nạn nhân (vượt giới hạn phòng vệ chính đáng)...
Có ý kiến lại cho rằng, nhân cách là tổ hợp tất cả các thuộc tính tâm lý cá nhân hình thành một cách tương đối bền vững tạo nên giá trị, bản sắc cá nhân đó. Do vậy, vẫn có thể có những cá nhân bị lệch lạc (lệch chuẩn), hình thành nên "nhân cách người phạm tội".
Trên thực tế, có không ít trường hợp phạm tội bị kết án, ngồi tù, mãn hạn lại tiếp tục tái phạm. Rất nhiều lần như vậy. Hay trường hợp phạm tội của Năm Cam, nếu không có một quá trình hình thành "nhân cách" thì sao y có thể điều khiển một loạt các sát thủ và hành xử lạnh lùng như vậy?
Một ví dụ khác được đưa ra là, hành vi phạm tội của diễn viên Hiệp Gà trong thời gian vừa qua nên nhìn nhận ở khía cạnh nào? Đa số ý kiến cho rằng, Hiệp có biểu hiện của tâm lý tội phạm, tuy nhiên, chưa thể đánh giá việc hình thành "nhân cách người phạm tội" ở Hiệp. Bởi, diễn viên này đam mê nghệ thuật, biến cách cải tạo, hướng thiện.
Những gợi mở trên cho thấy, đây là một đề tài còn có nhiều ý kiến khác nhau và cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa. Chúng tôi mong bạn đọc và các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu và trao đổi.
Minh Lý
Nguồn: KH&ĐS, số 45, 14/4/2009, tr 12